Khi bạn đến Mỹ Du học và đặt câu hỏi “Đất nước bạn có những giá trị văn hóa nào?” đối với người Mỹ, có hai trường hợp xảy ra: + Thứ nhất, hầu hết người Mỹ sẽ nhìn bạn bâng quơ hay quay về một hướng nào đó mà không có câu trả lời. + Thứ hai, họ sẽ cho bạn đáp án trong đó liệt kê một số giá trị cơ bản.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao một số người không thể trả lời và không muốn trả lời?

Câu hỏi dường như rất đơn giản nhưng khi đặt nó vào trong môi trường xã hội đa dạng như Mỹ, đất nước của những người nhập cư và được ví von với hình ảnh bát súp với muôn màu muôn vẻ, muôn mùi muôn vị thì thật không đơn giản để có một câu trả lời, mà có lẽ nếu trả lời thì số đáp án không chỉ dừng lại ở con số 1 ít ỏi.

 

Văn hóa Mỹ giàu có, phong phú bởi đó là nơi hội tụ các giá trị và hệ thống niềm tin của hầu hết các nước trên thế giới. Chính vì lẽ đó mà khó có thể gọi nó với một cái tên nhất định để thể hiện tính toàn diện. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi sẽ cùng các bạn chia sẻ hai giá trị có thể coi là phần cốt lõi trong hệ thống giá trị của đời sống Mỹ.

Tự do cá nhân

Tự do cá nhân là giá trị mà không một người Mỹ nào phủ nhận, thậm chí họ ủng hộ nhiệt tình quan điểm này. Bạn có thể gọi đó là tự do cá nhân, chủ nghĩa cá nhân hay gọi với một cái tên khác đi là độc lập thì tất cả những cái đó đều tạo nên nền tảng của hệ thống giá trị Mỹ và nó thâm nhập vào mọi khía cạnh của xã hội này.

Công dân Mỹ quan niệm rằng cá nhân chứ không một ai khác là người kiểm soát và chi phối số phận của mình. Chính quan điểm này đã quyết định đến loại hình chính phủ của Hoa Kỳ và trong Hiến Pháp Hoa Kỳ (Luật tối cao của Quốc gia) cũng ban hành quy định nhằm đảm bảo các quyền cá nhân.

Trong hệ thống tư pháp của Hoa Kỳ, quyền cá nhân luôn được đề cao và bảo vệ. Có thể có người phàn nàn rằng: Tự do cá nhân đôi khi có lợi cho những tên tội phạm. Dù chúng cướp đi sinh mạng con người nhưng vẫn được tha tội và lại sống “ngoài vòng pháp luật”. Nhưng hầu hết mọi người lại tin rằng làm như vậy còn tốt hơn. Họ quan niệm: thả tự do cho một số người phạm tội còn hơn bỏ tù một người vô tội.

Mặc dù nền kinh tế Mỹ chiếm ưu thế áp đảo trên thế giới với những tập đoàn “khổng lồ” nhưng một thực tế là hầu hết các doanh nghiệp Mỹ lại là các doanh nghiệp nhỏ và phần lớn các chủ sở hữu của các doanh nghiệp đều là cá nhân hoặc gia đình. Một phần trong giấc mơ của những người Mỹ là được làm chủ chính mình cũng như làm chủ sự nghiệp. Và trở thành doanh nhân là cách tốt nhất để tự xây dựng kinh tế, tạo dựng tương lai cho bản thân và đảm bảo sự tự do tài chính trong cuộc đời. 

Lựa chọn giáo dục
Giáo dục thường được xem là chìa khóa mở tất cả các cánh cửa cơ hội, trong đó có cơ hội được tự do và an toàn về tài chính. Khi nói về cách người Mỹ tiếp cận con đường học tập người ta thường nhắc đến hai từ “thực dụng”. Chính vì lẽ đó, họ coi trọng và đánh giá cao những gì học được bên ngoài lớp học, từ quá trình thực tập, từ các hoạt động ngoại khóa bên ngoài xã hội hay những hoạt động khác tương tự như vậy. Những điều đó có giá trị ngang bằng như các kiến thức học thuật trên ghế nhà trường. “Học, học nữa, học mãi” là tư tưởng xuyên suốt và được người Mỹ đề cao.

Người Mỹ luôn có nhiều sự lựa chọn. Ở trường, họ tự quyết định chuyên ngành học của mình mà không nhất thiết phải tham khảo ý kiến của cha mẹ và thậm chí, sự tham gia ý kiến của cha mẹ cũng ít khi ảnh hưởng đến họ. Điều này khác biệt hoàn toàn với văn hóa Việt Nam (có khi cha mẹ là người “vẽ đường” cho con trong suốt cuộc đời và nếu như con không chịu đi theo định hướng của cha mẹ thì có thể bị coi là “cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”). Sự tự do cá nhân thể hiện rõ nét trong từng khía cạnh của đời sống. Sinh viên tự chọn trường, chọn ngành, chọn khóa học bởi họ biết họ mới là người quyết định cuộc đời của mình. Các trường Mỹ thường tổ chức nhiều các khóa học mà trong đó sinh viên được tự chọn các chuyên ngành khác nhau. Điều này có thể lại khiến cho sinh viên quốc tế phân tâm, đặc biệt là sinh viên Việt Nam vốn đã quen với những chương trình cứng nhắc.

 

 

Người Mỹ có một niềm tin vào bản thân “hãy là chính mình”. Niềm tin đó bắt nguồn từ đạo Tin Lành vì phần lớn những người định cư đầu tiên là những người theo đạo này. Họ tin rằng họ mang trong mình trách nhiệm để cải thiện bản thân, để trở thành con người tốt nhất có thể, trách nhiệm của họ là phải tìm cách phát triển tài năng của mình không chỉ để tốt cho bản thân mà còn để giúp đỡ những người khác nữa. Những niềm tin đó không chỉ ảnh hưởng tới hệ thống giáo dục, mà còn phản ánh rõ nét trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong khi rất nhiều các quốc gia cho rằng Mỹ hay can thiệp sâu vào nội bộ các nước thì người Mỹ lại tin rằng họ đang thực hiện nghĩa vụ đạo đức, đang giúp đỡ bạn bè, láng giềng.

Mỗi nền văn hóa, mỗi giá trị đạo đức đều có hai mặt. Có thể hai giá trị tôi chia sẻ trên đây mang lại những cảm giác phân tâm đối với một số người, đặc biệt là các bạn sinh viên muốn theo học một trường nào đó tại Mỹ nhưng phải khẳng định một điều: những giá trị về tự do cá nhân và lựa chọn giáo dục của người Mỹ có rất nhiều điểm khiến chúng ta phải học tập. Những sinh viên muốn tự lập, làm chủ cuộc đời mình và phát triển cá nhân tốt nhất có thể dễ dàng đạt được điều này khi đến sống và học tập tại Mỹ. Bên cạnh cơ hội học tập tại quốc gia phát triển nhất trên thế giới, các bạn còn học được cách sống tự lập hơn, cảm thấy mình trưởng thành, ít phụ thuộc vào bố mẹ hơn, và chin chắn hơn để tự đưa ra các quyết định cho bản thân mình.